Chương trình phát thanh ngày 02/10/2020
Nội dung chương trình:
- LỊCH TIẾP CÔNG DÂN THÁNG 10 CỦA CHỦ TỊCH UBND HUYỆN.
- CÔNG VĂN Số 1812 CỦA UBND HUYỆN VỀ VIỆC VỀ PHÒNG, CHỐNG DịCH COVID-19.
- NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC ĐÓNG BẢO HIỂM 01 LẦN CHO THỜI GIAN THIẾU ĐỂ ĐƯỢC HƯỞNG LƯƠNG HƯU
- CHÍNH SÁCH NỔI BẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 10
- TỪ 11/10, TĂNG MỨC PHẠT KHI BÁN XĂNG DẦU QUA THÙNG, CAN, CHAI THÌ BỊ PHẠT TỪ 03 ĐẾN 05 TRIỆU ĐỒNG
- PHẢI NỘP ĐẾN 339.000 ĐồNG/LẦN KHI CẮT, CẤP ĐIỆN TRỞ LẠI
- GIÁO VIÊN TIỂU HỌC KHÔNG ĐƯỢC PHÊ BÌNH HỌC SINH TRƯỚC LỚP
- CÁC BỆNH NGƯỜI CAO TUỔI HAY MẮC THỜI ĐIỂM GIAO MÙA HÈ SANG MÙA HÈ THU
Nội dung chi tiết:
- LỊCH TIẾP CÔNG DÂN ĐỊNH KỲ THÁNG 10/2020 CỦA LÃNH ĐẠO UBND HUYỆN LĂK
Căn cứ các văn bản quy định của Trung ương của UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quy định về công tác tiếp công dân trên địa bàn tỉnh; Căn cứ Quy chế hoạt động của UBND huyện nhiệm kỳ 2016 – 2021; Căn cứ Thông báo số 01/TB-UBND, ngày 06/01/2020 của UBND huyện về lịch tiếp công dân năm 2020 của Lãnh đạo UBND huyện;
ủy ban Nhân dân huyện Lắk thông báo lịch tiếp công dân định kỳ tháng 10/2020, như sau:
Chủ tịch UBND huyện tiếp công dân định kỳ tháng 10/2020 vào thứ 5, ngày 15/10/2020 và thứ 6, ngày 30/10/2020. Trường hợp Chủ tịch UBND huyện có việc đột xuất không tiếp công dân được thì ủy quyền cho 01 Phó Chủ tịch UBND huyện thay mặt Chủ tịch ƯBND tiếp công dân theo quy định.
Thời gian: Buổi sáng từ 08 giờ đến 11 giờ
Buổi chiều từ 14 giờ đến 16 giờ 30 phút
Địa điểm: Tại Trụ sở tiếp công dân huyện (số 01, đường Nơ Trang Lơng, thị tran Liên Sơn, huyện Lắk).
Tham gia tiếp công dân cùng Chủ tịch ƯBND huyện có các thành viên Ban Tiếp công dân huyện và đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị có liên quan.
Ban Tiếp công dân huyện, Thanh tra huyện phối họp với các cơ quan, đơn vị có liên quan chuẩn bị các điều kiện phục vụ phiên tiếp công dân của Chủ tịch UBND huyện.
- CÔNG VĂN Số 1812 CỦA UBND HUYỆN VỀ VIỆC VỀ PHÒNG, CHỐNG DịCH COVID-19
Thực hiện Công văn số 8663 ngày 24/9/2020 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về việc triển khai Thông báo số 337, ngày 21/9/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19
Ủy ban nhân dân huyện Yêu cầu Trung tâm Y tế – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, ƯBND các xã, thị trấn Liên Sơn nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là quản lý chặt chẽ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các trường hợp nhập cảnh; đồng thời, tập trung chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ nhằm sớm phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Tiếp tục tạo thuận lợi cho người nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, làm việc và áp dụng các biện pháp phòng dịch phù họp khi làm việc tại địa phương. Đối với các trường hợp nhập cảnh ngắn ngày, yêu cầu hạn chế tham gia lễ hội và không sử dụng các dịch vụ karaoke.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tại các đơn vị, địa phương.
Nhận được Công văn này, yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện, báo cáo đề xuất ƯBND huyện đối với những nội dung vướng mắc, vượt thẩm quyền.
- NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐƯỢC ĐÓNG BHXH MỘT LẦN CHO THỜI GIAN CÒN THIẾU ĐỂ HƯỞNG LƯƠNG HƯU
Pháp luật về bảo hiểm xã hội cho phép người lao động đủ tuổi về hưu được quyền đóng BHXH một lần cho thời gian đóng còn thiếu để hưởng chế độ hưu trí. Theo đó, NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu có quyền chọn đóng BHXH một lần cho thời gian còn thiếu theo quy định sau:
- Đối với NLĐ đóng BHXH bắt buộc:
NLĐ đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng thì được lựa chọn đóng một lần cho số tháng còn thiếu.
Mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của NLĐ và NSDLĐ theo mức tiền lương tháng đóng BHXH trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng lương hưu.
NLĐ được hưởng lương hưu tại tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã đóng đủ BHXH cho số tháng còn thiếu.
(Theo Khoản 4 Điều 15 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015).
- Đối với NLĐ đóng BHXH tự nguyện:
Trường hợp thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng):
NLĐ được đóng một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu nếu NLĐ tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định.
Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định trên được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
Thời điểm hưởng:
NLĐ tham gia BHXH tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định trên để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.
Trường hợp thời gian đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm:
NLĐ tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm thì có thể chọn tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức đóng BHXH tự nguyện theo quy định cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.
Cụ thể, NLĐ có thể chọn 1 trong các phương thức đóng BHXH tự nguyện sau đây:
+ Đóng hằng tháng;
+ Đóng 03 tháng một lần;
+ Đóng 06 tháng một lần;
+ Đóng 12 tháng một lần;
+ Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần.
(Theo Khoản 2 Điều 6, Điều 9, Khoản 4 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015).
- Từ 11/10, TĂNG MỨC PHẠT KHI BÁN XĂNG DẦU QUA THÙNG, CAN, CHAI THÌ BỊ PHẠT TỪ 03 ĐẾN 05 TRIỆU ĐỒNG
Nội dung đáng chú ý này được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Cụ thể, hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác thì bị phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang nhân dân ở địa bàn miền núi, vùng cao… được làm đại lý bán lẻ xăng dầu phù hợp điều kiện kinh doanh xăng dầu khu vực đó.
Trong khi đó, hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định 67/2017/NĐ-CP, mức tiền phạt với hành vi nêu trên là từ 02 – 04 triệu đồng.
Có thể thấy, cửa hàng xăng nếu bán xăng, dầu qua thùng, can, chai từ 11/10/2020 – thời điểm Nghị định 99 chính thức có hiệu lực thì mức phạt tiền tăng hơn nhiều so với quy định hiện nay.
Ngoài ra, hành vi vi phạm nêu trên còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đồng thời người vi phạm bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ việc thực hiện hành vi vi phạm này.
Không chỉ vậy, Nghị định 99 cũng quy định, nếu tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định thì bị phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng (hiện nay mức phạt này đang là 40 – 60 triệu đồng).
Nghị định có hiệu lực từ 11/10/2020.
- NGƯỜI DÙNG ĐIỆN PHẢI NỘP ĐẾN 339.000 ĐồNG/LẦN KHI CẮT, CẤP ĐIỆN TRỞ LẠI
Ngày 09/9/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 23/2020/TT-BCT quy định về phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại.
Cụ thể, mức chi phí nhân công, chi phí đi lại ngừng và cấp điện trở lại cơ sở là mức chi phí cho một lần ngừng, cấp điện trở lại tại khu vực đồng bằng, có khoảng cách từ trụ sở đơn vị trực tiếp thực hiện đến địa điểm thực hiện từ 05 km trở xuống.Trong đó:
Chi phí nhân công: Tính theo các yếu tố gồm mức lương cơ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho 01 ngày công, hệ số lương bậc thợ, hệ số phụ cấp lưu động và số công cho một lần đóng cắt theo các cấp điện áp;
Chi phí đi lại: Là chi phí đi lại để thực hiện cho một lần ngừng, cấp điện trở lại.
Đặc biệt, Thông tư này quy định cụ thể mức chi phí này như sau:
Tại điểm có cấp điện áp từ 0,38 kV trở xuống người dùng điện phải trả khi bị đơn vị bán điện cắt, cấp điện trở lại là 98.000 đồng;
Tại điểm có cấp điện áp trên 0,38 kV đến 35 kV: người dùng điện phải trả khi bị đơn bán điện vị cắt, cấp điện trở lại là 231.000 đồng;
Tại điểm có cấp điện áp trên 35 kV: người dùng điện phải trả khi bị đơn vị bán điện cắt, cấp điện trở lại là 339.000 đồng.
Đáng chú ý: Phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại do các tổ chức, cá nhân liên quan phải trả cho bên bán điện để thực hiện ngừng, cấp điện trở lại trong trường hợp:
– Ngừng, giảm cấp điện không khẩn cấp: Ngừng cấp điện theo yêu cầu để đảm bảo an toàn phục vụ thi công công trình; theo yêu cầu của bên mua điện;
– Ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm bị bên bán điện ngừng cấp điện.
Thông tư này có hiệu lực từ 30/10/2020.
6. GIÁO VIÊN TIỂU HỌC KHÔNG ĐƯỢC PHÊ BÌNH HỌC SINH TRƯỚC LỚP
Đây là nội dung mới đáng chú ý tại Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ Trường tiểu học.
Nếu như trước đây, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện thì tuỳ theo mức độ vi phạm, giáo viên có thể nhắc nhở, phê bình hoặc thông báo với gia đình thì nay, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau:
Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn;
Thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
Đặc biệt, giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
Theo tin tức pháp luật – Xuân Tiệp
- “ các bệnh người cao tuổi hay mắc thời điểm giao mùa từ mùa hè sang mùa thu”- Báo Phụ nữ.
Thời điểm giao mùa hè – thu, điều kiện thời tiết thay đổi thất thường lúc nắng gắt, lúc mưa nhiều và lúc gió lạnh do ảnh hưởng của bão. Điểm danh những bệnh người cao tuổi hay mắc vào thời điểm giao mùa hè – thu.
Dưới sự tác động do thay đổi thời tiết thất thường, sức đề kháng của người cao tuổi yếu hơn, suy giảm nhiều. Chịu sự tác động của thời tiết từ đó khiến người cao tuổi ngày càng mắc bệnh cao hơn. Điểm danh các bệnh người cao tuổi hay mắc lúc giao mùa dưới đây:
Tình trạng rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi
Khi có một giấc ngủ ngon, cơ thể sẽ khỏe mạnh và tràn đầy sức sống vào ngày hôm sau để bắt đầu một ngày mới. Giấc ngủ là cần thiết đối với sức khỏe con người, tuy nhiên không phải ai cũng có được giấc ngủ ngon và ngủ đủ giấc vào ban đêm đặc biệt đối với người cao tuổi.
Thời tiết thay đổi nóng sang lạnh, mưa gió thất thường khiến người cao tuổi dễ gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ dẫn tới những điều tồi tệ đối xảy ra với sức khỏe.
Đối với người cao tuổi, giấc ngủ giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Sức khỏe của người cao tuổi bị ảnh hưởng nếu giấc ngủ không ngon. Khi thời tiết thay đổi cơ thể người cao tuổi sẽ mất nhiều năng lượng hơn để thích nghi. Việc này gây ra tình trạng mất ngủ ở người cao tuổi.
Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi là một chứng bệnh đáng ngại. Biểu hiện của tình trạng này là khi đi ngủ thường trằn trọc mãi không ngủ hoặc rất dễ ngủ tuy nhiên người cao tuổi lại dễ thức giấc hoặc tỉnh sớm.
Khi gặp phải chứng rối loạn giấc ngủ thì người cao tuổi sẽ rơi vào tình trạng cơ thể không được hồi phục sức khỏe đầy đủ. Điều này khiến họ mệt mỏi, suy nhược và bị ảnh hưởng tới thần kinh. Nếu tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể khiến người cao tuổi chán nản, bị trầm cảm hoặc thường xuyên cáu gắt, chán ăn và bi quan, buồn bã,…
Rối loạn tiêu hóa là bệnh người cao tuổi hay mắc khi giao mùa
Thời điểm giao mùa ngoài việc khiến người cao tuổi mắc bệnh rối loạn giấc ngủ còn dễ khiến người cao tuổi mắc bệnh rối loạn tiêu hóa.
Rối loạn tiêu hóa là một bệnh phổ biến xảy ra ở mùa mưa. Tuy nhiên, thời điểm giao mùa cũng khiến người cao tuổi dễ mắc phải bệnh này. Thời tiết giao mùa, nắng mưa thất thường khiến người cao tuổi gặp nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa cao hơn so với người trẻ vì sức đề kháng và sự chuyển hóa thức ăn trong cơ thể kém hơn.
Thời tiết thay đổi, thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh như các loại rau sống, nước uống bị nhiễm khuẩn hoặc ăn tiết canh, các loại thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật hay hóa chất khiến người cao tuổi dễ bị ngộ độc thực phẩm, bị tiêu chảy gây ra tình trạng mất nước và chất điện giải.
Chưa kể một số người cao tuổi xảy ra tình trạng chế độ ăn chưa hợp lý, điều này khiến họ bị đầy bụng, khó tiêu, bị đầy hơi và táo bón. Các bệnh đường tiêu hóa này dễ bị tái đi tái lại nhiều lần gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người cao tuổi, điều này gây ra các bệnh tiết niệu, nội tiết và tim mạch ở người cao tuổi tăng cao.
Bệnh về hô hấp ở người cao tuổi
Thực tế, người cao tuổi có đường hô hấp cực kỳ nhạy cảm đặc biệt thời tiết chuyển mùa hè – thu. Các bệnh hô hấp người cao tuổi dễ mắc như viêm mũi họng, viêm khí quản, viêm phổi hoặc bệnh phế quản và hen. Những bệnh này dễ mắc nhiều hơn đặc biệt khi gặp thời tiết giao mùa hè thu thuận lợi. Không kịp thời điều trị và xử lý thì các bệnh đường hô hấp sẽ để lại những biến chứng khó lường.
Đa số khi người cao tuổi mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp sẽ không có biểu hiện trên lâm sàng điển hình như không có biểu hiện sốt, không sốt cao, ho ít,.. những biểu hiện này dễ bị mọi người bỏ sót. Không chỉ vậy người bệnh còn ít có khả năng khạc đờm.
Một số biểu hiện bệnh ở người cao tuổi xảy ra chỉ xuất hiện biểu hiện rối loạn ý thức, cơ thể chậm chạp, lú lẫn. Tuy nhiên vẫn có những bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện như: chảy mũi, ho hoặc đờm,…
Trong khi đó nếu mắc bệnh viêm nhiễm ở đường hô hấp dưới sẽ xuất hiện các triệu chứng: thở dốc, khó thở, lạnh và run, sốt liên tục, thở nhanh, ho kèm đờm thậm chí nhiều trường hợp có lẫn máu, người cao tuổi bị đau ngực và ra nhiều mồ hôi, sụt cân.
Thông thường người cao tuổi khi sốt nhiệt độ sẽ không tăng quá cao như người trẻ. Điều này dễ dàng khiến người cao tuổi bị nhầm lẫn bệnh nhẹ và bỏ qua. Nếu như bệnh là viêm phổi thì tình trạng tổn thương phổi, suy hô hấp lại diễn ra nhanh hơn, nặng nề hơn. Các triệu chứng lâm sàng đi trước các biến đổi tổn thương trên Xquang.
Chưa kể nếu người cao tuổi mắc các bệnh về đường hô hấp thì bệnh tình sẽ chuyển biến nặng hơn người trẻ tuổi rất nhiều. Đặc biệt đối với các trường hợp không xuất hiện triệu chứng thì khi đi khám bệnh đã muộn, bệnh tình đã chuyển biến nặng.
Người cao tuổi khi mắc các bệnh mạn tính hoặc bị tai biến mạch máu não, việc người nhà trợ giúp vỗ lưng sẽ tránh ứ đọng dịch tiết hô hấp gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Bệnh tim mạch là các bệnh người cao tuổi hay mắc lúc giao mùa hè – thu
Các bệnh về tim mạch, huyết áp thường xảy ra nhiều nhất ở mùa đông. Tuy nhiên, thời điểm giao mùa cũng là lúc người cao tuổi cần đề phòng căn bệnh này.
Nhiệt độ ngoài trời thay đổi thất thường từ hè sang thu và thời điểm giao mùa hè thu khiến nhiệt độ nóng hạ thấp. Đối với người cao tuổi đang mắc bệnh tim mạch nấu không giữ đổ đụ ẩm sẽ dễ khiến cho cơ thể bị hạ thân nhiệt đột ngột, điều này khiến tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng của con người.
Khi nhiệt độ đột ngột giảm, nhu cầu cung cấp oxy của tim tăng lên do phải tăng cường độ hoạt động để cơ thể duy trì thân nhiệt. Khi tim không đáp ứng đủ nhu cầu này sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng giữ cung và cầu khiến tình trạng suy tim tăng lên và gây ra cơn đau thắt ngực ở người bị bệnh mạch vành, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Tình trạng đau tim thường gặp ở người ngoài 50 tuổi, các dấu hiệu xuất hiện chính là: đau ngực, thở dốc, đau ở lưng, vai hoặc tình trạng đau cổ. Tình trạng này có thể xảy ra thấp hơn nếu bạn có cân nặng vừa phải, không hút thuốc và thường xuyên tập thể dục.
Ngoài ra, đột quỵ cũng là căn bệnh phổ biến và thường gặp ở người cao tuổi. Dấu hiệu của đột quỵ xảy ra như: choáng váng đột ngột, bị tê tay chân, xuất hiện tình trạng khó khăn trong việc nói chuyện. Những trường hợp nặng có thể khiến người bệnh bị ngã quỵ đột ngột, bất tỉnh.
Do đó muốn tránh đột quỵ thì người bệnh cần giữ huyết áp ổn định, nên có lối sống khoa học, tập thể dục và không hút thuốc lá. Muốn bảo vệ tim mạch trong mùa lạnh người bệnh cần thay đổi một số thói quen sinh hoạt nhằm phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Khi thời tiết chuyển giao mùa, người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài và không nên thức dậy quá sớm, không nên tập thể dục vào sáng sớm có thể tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà.
Nắng Mai :28/09/2020 – 16:20 (GMT+7)- Báo Phụ nữ – XUÂN TIỆP