Chủ động ứng phó với mưa lớn trong những ngày tới

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 8/11, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 119,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166 km/giờ), giật cấp 17. Di chuyển theo hướng tây, tốc độ khoảng 15 km/giờ. Ngày và đêm 9/11, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển Hoàng Sa) gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16, biển động dữ dội; sóng biển cao từ 4-6 m, vùng gần tâm bão 6-8 m.

Trước đó, ngày 7/11, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Ngoại giao.

Thủ tướng yêu cầu cần chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão kịp thời, hiệu quả, phù hợp với diễn biến thực tế bão, lũ tại địa phương, trong đó tập trung kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển và tại nơi neo đậu, tránh trú; rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, kịp thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân khi bão có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp; chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời hỗ trợ nhân dân, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả bão, lũ.

Khu vực Tây Nguyên có mây, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Gió đông bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C. Nhiệt độ cao nhất 26-29 độ C, có nơi trên 29 độ C.

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ trong những ngày tới, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động; triển khai công tác ứng phó thiên tai trong những tháng cuối năm 2024 và chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở trong thời gian tới.

Tập trung triển khai các biện pháp khắc phục thiên tai, khuyến cáo người dân chủ động khẩn trương thu hoạch sớm các diện tích nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp đã đến thời gian thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập, lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Đảm bảo an toàn giao thông nhất là khu vực dễ bị chia cắt, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính. Kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước thuộc phạm vi quản lý và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định.

Thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo về mưa lũ để chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Các Thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương rà soát các phương án ứng phó đảm bảo an toàn, hiệu quả với diễn biến mưa lũ. Tổ chức công tác trực ban theo quy định; thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến mưa lũ, báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh).

                                                                                            XT.BT