Sáng ngày 28/10, Trung tâm Thông tin – Ứng dụng Khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Hội Nông dân xã Đắk Nuê tổ chức hội thảo tổng kết nhiệm vụ “xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật trồng nấm ăn và mô hình chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi trùn quế theo hướng thâm canh” tại xã Đắk Nuê.
Đối với Mô hình trồng nấm ăn (nấm bào ngư xám) được triển khai cho hộ bà Lý Thị Liêm, buôn Dhăm 1, xã Đăk Nuê với số lượng 3000 bịch/1 mô hình. Hộ thực hiện mô hình được hỗ trợ bịch phôi nấm bào ngư xám, hệ thống phun sương, kệ trồng và được tập huấn, hướng kỹ thuật trồng nấm. Kết quả sau 3 tháng triển khai, sau khi tổng hợp các chi phí thu và chi xét trên 1000 bịch nấm với diện tích khoảng 15m2, đã thu được 200kg nấm, với mức giá thành là 40 ngàn đồng/kg, thì lợi nhuận thu được 1 triệu 800 ngàn đồng. Mỗi năm có thể trồng được 3 vụ nấm bào ngư xám, tuỳ theo điều kiện có thể trồng tối thiểu từ 3000-10.000 bịch mỗi vụ. Điều này góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân, tận dụng được công lao động.
Đối với mô hình chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi ( trùn quế) giun quế theo hướng thâm canh, được triển khai cho hộ ông Nguyễn Quốc Kỳ, thôn Yên Thành 1, xã Đắk Nuê, với diện tích nuôi giun 80m2, tận dụng cải tạo chuồng nuôi heo của gia đình, chuồng đã có sẵn nên láng xi măng, mái lợp tôn chắc chắn. Nguồn thức ăn là phân bò khô và phân heo đã hoại mục do gia đình nuôi. Hộ dân thực hiện mô hình được hỗ trợ 1 tấn giống sinh khối, phân nền, hệ thống phun sương, lưới che, dụng cụ lao động và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trùn. Kết quả sau 3 tháng nuôi với khối lượng giống sinh khối 1 tấn đã thu được 1 tấn khối giun quế, 6,5 tấn phân giun quế, và 50kg giun quế tinh với giá thành phân giun 450 ngàn đồng/tạ, sinh khối trùn 1 triệu 200 ngàn đồng/tạ, giun quế tinh 35 ngàn đồng/kg. Tổng lợi nhuận thu được sau khi trừ các khoảng chi phí là 6 triệu 200 ngàn đồng. Ngoài lợi ích về kinh tế, với các ứng dụng của giun quế tươi, bột giun quế khô và dịch phân giun quế thuỷ phân như làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, vật nuôi thuỷ sản; phân giun quế là loại phân hữu cơ thích hợp cho nhiều loại cây trồng, không chứa các sinh vật gây bệnh; giun quế còn có sức tiêu hoá lớn, khả năng phân giải hữu cơ cao có thể tận dụng để xử lý chất thải sinh hoạt, hoặc rác thải hữu cơ, làm sạch môi trường.
Năm 2024, Trung tâm Thông tin – Ứng dụng Khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Hội Nông dân xã Đắk Nuê đã triển khai chuyển giao 3 mô hình gồm “mô hình sản xuất phân hữu cơ sinh học”, “xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật trồng nấm ăn” và “mô hình chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi giun quế theo hướng thâm canh”. Kết quả thực hiện các mô hình cho thấy quy trình kỹ thuật sản xuất, nuôi trồng khá đơn giản, dễ thực hiện, đem lại lợi ích kinh tế, phù hợp với điều kiện của người nông dân tại địa phương, có khả năng ứng dụng trên diện rộng.
Văn Hoan
- Xã Nam Ka trao 31 con bò giống sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo
- Năm 2025 Trung ương sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước
- Đoàn công tác Huyện uỷ Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đến thăm và làm việc tại Huyện uỷ Lăk
- Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk tăng cường tuần tra bảo vệ rừng
- Người dân cảnh giác với tình trạng hái trộm cà phê tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk do giá cà phê tăng cao