Ngày 20-10-1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (tiền thân của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam) được thành lập. Để đánh dấu sự kiện này, Đảng, Nhà nước đã quyết định chọn ngày 20-10 hàng năm làm ngày truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Đây cũng là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là “Ngày Phụ nữ Việt Nam”.
Trong suốt chiều dài lịch sử, phụ nữ Việt Nam luôn khẳng định được vị thế quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước. Ngày 20-10 được chọn là Ngày Phụ nữ Việt Nam cho thấy sự coi trọng của Đảng và toàn xã hội về vai trò, những đóng góp của phụ nữ Việt Nam. Ngày này còn là dấu mốc quan trọng để xác nhận quyền bình đẳng của phụ nữ trong việc bỏ phiếu và tham gia các hoạt động chính trị, xã hội. Phụ nữ Việt Nam dù trong thời chiến hay thời bình, luôn là những người yêu nước, có trí tuệ, sức khỏe, năng lượng sáng tạo và duyên dáng, rất đáng tự hào. Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội xưa nay luôn được gắn liền với khái niệm “phái đẹp”. Vẻ đẹp ở đây bao hàm nhiều ý nghĩa, có thể được đánh giá bởi sự cân đối về hình thể, sự đoan trang, nền nếp trong phong cách ứng xử, sự ngăn nắp, chu toàn trong cuộc sống hay sự tự tin, nhã nhặn và duyên dáng trong giao tiếp xã hội hằng ngày…
Và trong xã hội hiện đại ngày nay, vẻ đẹp của người phụ nữ cũng đã trở nên năng động, cởi mở, giao thoa hơn trước rất nhiều. Thế giới của phái đẹp cũng đã trở thành một thế giới mở, bây giờ, phái đẹp đã tự tin tham gia vào nhiều công việc quan trọng.
Tiếp bước những nữ tướng, những phụ nữ lừng lẫy trên mọi lĩnh vực của lịch sử nước nhà là thế hệ nhiều phụ nữ nắm giữ những vai trò, trọng trách trong Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trong hệ thống chính trị; thế hệ của những nữ doanh nhân có tên tuổi gắn bó với quá trình xây dựng nên những thương hiệu lớn của Việt Nam, đóng góp nhiều công sức cho nền kinh tế trong thời kỳ phát triển; thế hệ của những cô gái như Ánh Viên, Huỳnh Như với đóng góp cho nền thể thao nước nhà, đạt được những thành tích mang tầm quốc tế, hay một Hoa hậu H’hen Niê thân thiện và năng động trong hoạt động xã hội, các chương trình thiện nguyện…
Nhìn vào số lượng nữ đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XV, có thể thấy rằng, có 30,26% tổng số đại biểu là nữ, chiếm tỷ lệ cao nhất kể từ Quốc hội khóa VI tới nay. Qua các kỳ họp của nhiệm kỳ khóa này, các nữ đại biểu Quốc hội đã thể hiện rõ tư duy đổi mới, tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân. Sự tham gia của phái đẹp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cũng cho thấy tầm quan trọng của họ đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc trong thời kỳ đổi mới nhằm xây dựng quốc gia phát triển hài hòa, bền vững.
Phát huy truyền thống, những năm qua cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện đã ra sức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Hội LHPN các cấp và các ngành, địa phương phát động. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các cấp hội đã có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng gia đình hạnh phúc, tham gia phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo bảo vệ phụ nữ và trẻ em…như mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm”, chương trình “mẹ đỡ đầu”…
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai sâu rộng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đến 11/11 cơ sở Hội và hội viên trong huyện, phát huy vai trò phụ nữ gương mẫu thực hiện đạt mục tiêu cuộc vận động; xử lý rác thải và bảo vệ môi trường, phòng, chống ô nhiễm, trồng hoa tạo cảnh quan nông thôn, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình và xóa đói giảm nghèo …góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Chuyên đề số 02, ngày 13/10/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện “Tập trung huy động các nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk vào năm 2030”, 9 tháng năm 2024 ra mắt 05 mô hình thu gom rác thải tại xã Đăk Liêng, 01 mô hình “gia đình an toàn, xanh, sạch, đẹp, bản sắc” tại chi hội phụ nữ thôn Tân Giang, 01 câu lạc bộ dân vũ tại buôn Cao Bằng với 78 chị em phụ nữ tham gia sôi nổi.
Thực hiện đợt thi đua đặc biệt: 06 phần việc/hoạt động đồng hành cùng phụ nữ, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn”. Hội duy trì phong trào “Hũ gạo tình thương”, 9 tháng đầu năm 2024 trút hũ gạo được 355 kg và số gạo trên trao cho 20 chị hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; bên cạnh đó, các tổ hội duy trì 55 tổ hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế. Cùng với đó, Hội đã cụ thể hóa nội dung sát với thực tiễn và phù hợp với phong tục tập quán của địa phương, khảo sát nhu cầu của hội viên phụ nữ, đặc biệt là hội viên phụ nữ đặc biệt khó khăn để tiến hành vận động hội viên phụ nữ thực hiện chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi phù hợp (như cải tạo vườn tạp, chăn nuôi gà, vịt, heo đồng bào thả vườn…) góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án số 07 ngày 25/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giai đoạn 2022 – 2026 ” và Nghị quyết 05- ngày 05/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XV về lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2021 – 2025. Qua đó, xuất hiện cách làm hay thể hiện sự tích cực, nhiệt huyết hưởng ứng phong trào của chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện.
Trong 9 tháng qua Hội LHPN huyện đã thực hiện được 7 công trình/phần việc. Xây dựng 01 mô hình khởi nghiệp tại xã Buôn Triết, với số tiền là 5 triệu đồng; Trao 6 mô hình sinh kế hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trị giá 35 triệu đồng; Hội LHPN các xã, thị trấn thực hiện được 23 công trình/phần việc trong đó có 17 mô hình sinh kế với tổng số tiền hơn 82 triệu đồng, và 6 công trình con đường hoa, công trình cây xanh, công trình “ Thu gom phế liệu” với tổng số tiền là 23,5 triệu đồng…
Đặc biệt, Hội LHPN huyện còn chú trọng các hoạt động giao lưu Dân vũ Thể thao, giao lưu văn nghệ, tổ chức hội thi ẩm thực, diễu hành đường phố nhân dịp các ngày lễ lớn…thu hút hàng ngàn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia và cổ vũ. Thông qua các buổi giao lưu, các cuộc thi nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của phụ nữ Đắk Lắk, tiếp tục tôn vinh Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam trong đời sống xã hội; rèn luyện phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Qua đó góp phần giáo dục kỹ năng sống, nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên phụ nữ.
Nhìn chung tình hình tư tưởng của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong toàn huyện ổn định, phấn khởi, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của Nhà nước; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực thi đua lao động sản xuất lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và của Hội. Các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội cấp trên; cán bộ, hội viên phụ nữ đoàn kết, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp đề ra
Ngày 20/10 năm nay là dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đây là ngày đặc biệt nhằm tôn vinh người phụ nữ trong xã hội. Bên cạnh vẻ đẹp tự thân, vẻ đẹp của người phụ nữ còn được xã hội ghi nhận bởi những đóng góp tích cực cho gia đình, xã hội, đất nước. Đó là vẻ đẹp từ cốt cách của người phụ nữ Việt Nam, được thể hiện qua những việc làm cụ thể ngay trong từng gia đình, từng bộ phận dân cư, cho đến cả cộng đồng, quốc gia và dân tộc.
Vy Thuỷ
- Người dân cảnh giác với tình trạng hái trộm cà phê tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk do giá cà phê tăng cao
- Nét đẹp thuyền độc mộc và trải nghiệm du lịch chèo thuyền trên Hồ Lắk
- Cà phê giá tăng cao chưa từng có, nông dân đón mùa vụ bội thu
- Nông dân xã Đăk Phơi vui mừng, phân khới bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2023 – 2024
- Xã Krông Nô toạ đàm kỷ niệm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11