Huyện Lắk tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự cấp huyện điểm của tỉnh Đắk Lắk

Ngày 26-9, Huyện Lắk đã tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự năm 2024. Dự và Chỉ đạo diễn tập có đồng chí Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng ban Chỉ đạo diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Đắk Lắk. Đại tá Lê Văn Hùng, phó chỉ huy trưởng kiêm tham mưu trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh các Sở, ban, ngành của tỉnh nằm trong Ban Chỉ đạo và các đồng chí trong cơ quan Ban Chỉ đạo diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh. Đến dự, tham quan có các đồng chí lãnh đạo UBND, Chỉ huy trưởng Ban CHQS 14 huyện, thị xã, thành phố; đại biểu lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn.

Về phía Ban Chỉ đạo diễn tập phòng thủ dân sự huyện Lắk có đồng chí Nguyễn Văn Long, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo diễn tập huyện; đồng chí Đào Thị Thanh An, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Phó Trưởng ban Chỉ đạo diễn tập huyện; đồng chí Nay Y Phú, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo diễn tập huyện. Cùng các đồng chí trong Ban Chỉ đạo và khung diễn tập của huyện.

Khai mạc cuộc diễn tập phòng thủ dân sự huyện Lắk năm 2024, đồng chí Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng ban Chỉ đạo diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: Phòng thủ dân sự là một bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân; có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đây là cuộc diễn tập phòng thủ dân sự đầu tiên của tỉnh, quy mô cấp huyện, huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia; sát với thực tế loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn huyện.

Trước khi bước vào phần thực hành diễn tập các đại biểu đã được xem video clip khái quát tình hình huyện Lắk, công tác phòng thủ dân sự huyện và hành động giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, thu hoạch hoa màu, củng cố tuyên đê bao xung yếu. Theo tình huống được xây dựng, địa bàn huyện Lắk bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12 xảy ra mưa lớn dài ngày, kèm theo dông lốc; mực nước các sông, suối dâng cao, đổ về địa bàn 3 xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết làm ngập úng gần 100ha hoa màu, gây ngập lụt cục bộ hơn 50 nhà dân; nguy cơ vỡ 100 mét đê bao ở thôn Mê Linh 2, xã Buôn Triết. Trước tình hình đó, Huyện ủy, UBND huyện trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức chuẩn bị phòng, chống cơn bão số 12. Thường trực Huyện ủy họp để nhận định, đánh giá kết luận tình hình, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó bão. Đây là cuộc họp quan trọng, thể hiện sự lãnh đạo quyết liệt, kịp thời của thường trực Huyện uỷ. Ngay sau đó Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự huyện tổ chức Hội nghị triển khai biện pháp cấp bách; phân công lực lượng, địa bàn ứng phó với cơn bão số 12. Các ngành chức năng tổ chức họp, giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị mình, tích cực chuẩn bị vật chất, phương tiện, lực lượng sẵn sàng ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai do cơn bão số 12. Sau khi triển khai các cuộc họp khung diễn tập phòng thủ dân sự huyện Lắk đã Cơ động tham quan khu vực thiết lập khu sơ tán tập trung tại trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cũ.

Buổi chiều cùng ngày, khung diễn tập Phòng thủ dân sự huyện Lắk thực hành ứng phó thảm họa với 03 vấn đề huấn luyện gồm: Thực hành sơ tán người, tài sản ra khỏi vùng nguy cơ ngập lụt, vùng trũng, thấp, vùng ảnh hưởng vỡ hồ, đập. Có sự hỗ trợ về lực lượng, phương tiện của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh Đắk Lắk, các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn của huyện đã sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực lũ lụt; tổ chức tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả. Trong quá trình sơ tán khung diễn tập xây dựng thêm các tình huống phụ gồm: kẻ gian đột nhập trộm cấp tài sản của nhân dân; tình huống cưỡng chế gia đình cố tình không chịu di dơi người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; cứu người bị thương trong quá trình vận chuyển vật chất. Ngay sau đó người dân buôn Yun cùng  tài sản và gia súc gia cầm đã được bố trí về nơi sơ tán tập trung (tại trường tiểu học Minh Khai cũ).

Thực hành tìm kiếm, cứu nạn trên sông, hồ, vùng bị chia cắt được khung diễn tập xây dựng lấy bối cảnh của buôn Mê Linh 2, xã Buôn Triết do có một số đoạn đê vỡ, nước đổ về gây ngập lụt hoàn toàn, buôn Mê Linh 2 bị chia cắt, cô lập; một số hộ dân không chịu di dơi nên bị nước cuốn trôi. Theo đó, trong quá trình diễn tập đã xảy ra 03 tình huống gồm: Cứu người đuối nước trên sông, hồ; cứu người mắc kẹt trên mái nhà; cứu người bị thương và tổ chức cứu hộ, vật chất, phương tiện, nhà cửa, hàng hoá trôi nổi trên sông, hồ.

Kết thúc giai đoạn thực hành tìm kiếm, cứu nạn trên sông, hồ, vùng bị chia cắt bước, khung diễn tập bước vào giai đoạn khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống, xử lý môi trường cho người dân vùng bị ảnh hưởng do cơn bão số 12.  Sau 1 ngày diễn tập vận hành cơ chế và thực binh, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự huyện Lắk đã hoàn thành tốt các nội dung, chương trình đề ra.

Phát biểu bế mạc diễn tập, đồng chí Võ Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Đắk Lắk khẳng định cuộc diễn tập là cơ sở để kiểm nghiệm, đánh giá khả năng lãnh đạo, chỉ huy điều hành của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp; khả năng sẵn sàng ứng phó thảm họa, thiên tai của lực lượng vũ trang; công tác phối hợp, hiệp đồng tham gia ứng phó của các ban, ngành, địa phương; khả năng huy động lực lượng, phương tiện, vật chất tham gia.

Là diễn tập phòng thủ dân sự đâu tiên của tỉnh Đắk Lắk, tại buổi bế mạc diễn tập đã được nghe Đại tá Lê Văn Hùng, phó chỉ huy trưởng kiêm tham mưu trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh góp ý, rút kinh nghiệm về công tác diễn tập phòng thủ dân sự huyện Lắk.

Qua diễn tập phòng thủ dân sự huyện Lắk năm 2024 đã góp phần nâng cao khả năng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, chỉ huy điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, năng lực tham mưu của Ban chỉ huy PTDS và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, mặt trận trong phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Bổ sung xây dựng kế hoạch PTDS của tỉnh, huyện,xã và các cơ quan, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể, LLVT sát với thực tế, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có các tình huống. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho nhân dân ý thức chủ động phòng tránh, làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng đối phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh.

Nhóm phóng viên ( Xuân Thái, Văn Hoan, Văn Thắng, Vy Thuỷ, Huy Bình, H Yur)