Trong những năm gần đây, Đắk Lắk đã vươn lên trở thành một trong những vùng trồng sầu riêng lớn nhất cả nước. Tính đến năm 2023, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh đạt 32.785 ha, chiếm hơn 50% tổng diện tích cây ăn quả, với sản lượng ước tính 281.350 tấn, theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk. Trong số đó, huyện Krông Pắc dẫn đầu với hơn 7.000 ha, trở thành khu vực cung cấp sản lượng sầu riêng lớn nhất tỉnh.
Sản phẩm sầu riêng Đắk Lắk đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế, trong đó Trung Quốc là thị trường chủ lực. Ngoài ra, sầu riêng Đắk Lắk còn có mặt tại Thái Lan, Malaysia, Singapore, gần đây là Hàn Quốc và Nhật Bản. Các thị trường này yêu cầu chất lượng sản phẩm cao, đòi hỏi nhà nông phải nâng cao chất lượng, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để cạnh tranh và mở rộng thị phần.
Tuy nhiên, thị trường sầu riêng năm 2024 đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là sự biến động giá cả. Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài tại các tỉnh Tây Nguyên, chất lượng trái sầu riêng bị suy giảm, dẫn đến giá bán giảm mạnh. Hiện tại, giá sầu riêng loại 1 chỉ còn từ 70.000 VND/kg, loại 2 từ 55.000 đến 60.000 VND/kg, loại 3 khoảng 40.000 VND/kg. Tình hình này khiến nhiều thương lái phải bỏ cọc, bỏ vườn để cứu vốn, trong khi nông dân phải đối mặt với lượng hàng tồn đọng lớn, các kho bãi từ chối thu mua xuất khẩu. Một số vựa thu mua vẫn hoạt động nhưng chủ yếu xuất khẩu nội địa với giá thấp.
Anh Nông Minh Phương, 27 tuổi, một nông dân tại huyện Lắk chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 1,4 ha sầu riêng với 120 cây, xen canh với cà phê 90 cây. Tổng cộng có 110 cây sầu riêng đã cho trái, đạt sản lượng 8 tấn/vụ. Tuy nhiên, giá sầu riêng giảm mạnh khiến chúng tôi lo lắng về việc tiêu thụ. Sầu riêng Ri6 hiện chỉ còn 40.000 VND/kg, trong khi thời điểm cao nhất giá là 60.000 VND/kg. Đối với sầu riêng Musang King, giá hiện nay chỉ còn 80.000 VND/kg, giảm mạnh so với mức cao nhất là 180.000 đến 210.000 VND/kg.”
Việc đầu tư vào trồng sầu riêng đòi hỏi chi phí lớn, bao gồm chi phí cây giống, phân bón, hệ thống tưới tiêu, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Trung bình, một hecta sầu riêng tiêu tốn từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi năm, chưa kể các chi phí phát sinh khác. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho nhà nông, đặc biệt là trong bối cảnh giá cả biến động và thị trường gặp khó khăn.
Để tối ưu hóa hiệu quả canh tác, mô hình trồng xen canh giữa sầu riêng và các cây trồng khác như cà phê và hồ tiêu đang được áp dụng rộng rãi tại Đắk Lắk. Thời gian thu hoạch sầu riêng thường diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8, khi trái đạt chất lượng tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ và xuất khẩu.
Dù đối mặt với nhiều thách thức, nhà nông vẫn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm. Điển hình như huyện Lắk, dù diện tích trồng sầu riêng chỉ khoảng hơn 3.000 ha, nhỏ hơn nhiều so với các huyện khác, nhưng đóng góp của huyện vào nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh vẫn rất đáng kể. Với xu hướng nâng cao chất lượng, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, huyện Lắk nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung đang dần khẳng định vị thế của mình trong ngành trồng sầu, hứa hẹn mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm.
Sầu riêng không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao cho tỉnh Đắk Lắk mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp địa phương. Để ngành sầu riêng Đắk Lắk phát triển bền vững trong tương lai, việc ổn định giá cả và tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng sẽ là những yếu tố then chốt.
Linh Nguyễn
- UBND huyện kiểm tra việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Đắk Liêng
- Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đợt I năm 2024
- Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc thực hiện thành công sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước
- Huyện Lắk thực hiện tốt công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nhiệm kỳ 2020 – 2025
- Hội Nông dân huyện tập huấn nâng cao kiến thức về Phát triển kinh tế tập thể năm 2024