Thưa quý vị và các bạn ! Đuối nước đã và đang trở thành vấn đề nóng bỏng được dư luận quan tâm, hằng năm có rất nhiều tai nạn đuối nước xảy ra, cướp đi nhiều sinh mạng, trong đó, tỉ lệ tử vong do đuối nước ở lứa tuổi trẻ em là cao nhất. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hằng năm trên thế giới có trên 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước, 2/3 trường hợp xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Còn ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, đuối nước cướp đi mạng sống của gần 3.000 trẻ em mỗi năm, chiếm trên 45% số ca trẻ tử vong do tai nạn thương tích trên cả nước.
Thời gian vừa qua, tình trạng trẻ em bị đuối nước liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tình trạng này đang diễn biến rất phức tạp, cần có sự quan tâm, chủ động phòng ngừa của toàn xã hội, nhất là trong dịp hè, khi các em được nghỉ học trong một khoảng thời gian dài, không có sự giám sát của nhà trường, thời tiết nắng nóng, nên mọi người có nhu cầu đi tắm ở các khu vực như thác, hồ, sông, biển… vì vậy rất dễ xảy ra các vụ tai nạn thương tâm, đáng tiếc cho bản thân, gia đình và xã hội.
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện có 04 trường hợp trẻ em chết do đuối nước.Trước tình hình đó, Chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp, biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại về người do nguyên nhân đuối nước gây ra. Tuy nhiên, để phụ huynh và các em học sinh chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do đuối nước gây ra, Công an huyện Lắk đưa ra một số khuyến cáo, biện pháp cụ thể như sau:
- Các biện pháp phòng, tránh
– Các trường học trên địa bàn cần tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh cảnh giác hơn với các khu vực sông nước, cần phổ biến một số các kỹ thuật, kỹ năng đối phó với các tình huống đuối nước phù hợp với từng lứa tuổi.
– Phụ huynh phải có sự giám sát chặt chẽ với con em mình đồng thời dạy cho trẻ biết được mối nguy hiểm của đuối nước, không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh sông, ao, hồ nước, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố; không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối mà không có người lớn biết bơi đi kèm.
– Khi cho trẻ em tắm biển, tắm sông nên bắt buộc phải mặc áo phao và phải có cha mẹ, người lớn trông coi. Chỉ nên cho trẻ tiếp xúc với nước ở những nơi có người lớn, có đội cứu hộ và các phương tiện cần thiết để cấp cứu. Hướng dẫn trẻ biết về các biển báo nguy hiểm tại các bãi tắm biển, tắm sông
– Phải có các biển cảnh báo, biển cấm và các giải pháp để đảm bảo an toàn như làm rào chắn, chặn lối vào các khu vực dễ xảy ra đuối nước như: Sông, suối, ao, hồ, hố sâu, thác nước, nơi dễ bị trượt, ngã nguy hiểm… Nhà có trẻ nhỏ không nên để thùng, bể, lu nước… nếu bắt buộc phải có thì phải có nắp đậy để trẻ em không mở nắp được.
– Trang bị cho trẻ em kỹ năng bơi, những kiến thức cần thiết để tự cứu mình khi bị rơi xuống nước và lồng ghép nội dung bơi và kĩ năng tự cứu.
– Phụ huynh cũng phải trang bị cho mình về các kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu như: hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực, lấy dị vật trong miệng, mũi nạn nhân… để sơ cứu người bị đuối nước. Chú ý một số phương pháp cứu người đuối nước dân gian như việc sốc nước, vác nạn nhân lên vai chạy… đã được chứng minh là những việc làm không đúng và cần tránh để không làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu người bị nạn.
- Trong trường hợp gặp nạn nhân bị đuối nước cần xử lý kịp thời như sau
* Việc làm đầu tiên khi gặp trường hợp đuối nước là cần tìm cách đưa nạn nhân ra khỏi nước:
– Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước ta cần khẩn trương tìm cách đưa họ lên bờ. Nếu không biết bơi ta phải tìm khúc gỗ, phao, hay các vật dụng nổi trên mặt nước để ném xuống cho người đang bị đuối nước bám vào để lên bờ hoặc hô hào, chạy ngay đi tìm người lớn đến cứu.
– Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.
– Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước, thì chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi. Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.
* Ngay sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ: Chúng ta cần thực hiện các kỹ năng sơ cứu đuối nước càng nhanh càng tốt trong lúc đợi xe cấp cứu đến đưa nạn nhân vào bệnh viện để cứu sống kịp thời.
+ Đặt nạn nhân nằm ở chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động tức là trẻ đã ngưng thở; thổi ngạt miệng qua miệng 2 cái chậm. Nếu sau đó trẻ vẫn chưa thở lại được hoặc còn tím tái và hôn mê thì xem như tim đã ngưng đập, cần ấn tim ngoài lồng ngực ngay. Ấn vào vùng nửa dưới xương ức theo cách như sau:
+ Dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 đốt ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay).
+ Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1-8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với trẻ hơn 8 tuổi và người lớn) ấn vào phía trên mỏm ức 2 đốt ngón tay. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (đối với trẻ trên 8 tuổi).
+ Đối với trẻ từ 9 tuổi trở lên: Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.
+ Vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này cho đến khi nạn nhân tự thở lại được hoặc có sự giúp đỡ của nhân viên y tế. Việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn.
– Nếu sơ cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và đắp giữ ấm cho nạn nhân.
– Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước, nên phải để nạn nhân ở tư thế an toàn, đầu nằm nghiêng, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim được 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.
– Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 – 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 – 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt. Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt.
* Một số lưu ý:
– Không được chậm trễ trong cấp cứu người bị đuối nước, thay vì tìm cách gọi xe cấp cứu, tìm cho được và đầy đủ các phương tiện cấp cứu… thì phải bằng mọi cách và khả năng hiểu biết cấp cứu nạn nhân ngay
– Không nên cố tìm cách cho nước trong phổi nạn nhân chảy hết ra ngoài bằng cách xốc nước (vác nạn nhân chạy vòng vòng cho nước chảy ra) vì như thế sẽ bỏ lỡ thời gian vàng cho việc làm hồi sức cấp cứu tim phổi mà chỉ cần chậm trễ 4 phút thôi là não có nguy cơ bị chết! Trong quá trình hồi sức cấp cứu tim phổi, nước trong phổi sẽ tự động thoát ra ngoài.
– Khi làm xoa bóp tim ngoài lồng ngực, cần chú ý không quá mạnh vì có thể làm gãy xương sườn nạn nhân, nhất là trẻ nhỏ.
– Đặc biệt, nếu đuối nước, đặc biệt là đuối nước sông hồ, sau khi cấp cứu ban đầu, kể cả thở được dứt khoát vẫn phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế vì nước sông, hồ sẽ thấm vào hệ tuần hoàn rất nhanh do hiện tượng thẩm thấu (nước sông có nồng độ loãng hơn máu) dẫn đến tình trạng phù phổi cấp, tổn thương nó sẽ xảy ra ngay sau đó khoảng vài giờ, nên cần đến bệnh viện chụp phổi ngay, để kịp thời phát hiện ra phù phổi và có cách điều trị kịp thời. Phù phổi tiến triển rất nhanh nên không được chủ quan ngay cả khi nạn nhân đã có dấu hiệu hồi phục./.
XT-BT
- Xã Nam Ka trao 31 con bò giống sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo
- Năm 2025 Trung ương sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước
- Đoàn công tác Huyện uỷ Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đến thăm và làm việc tại Huyện uỷ Lăk
- Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk tăng cường tuần tra bảo vệ rừng
- Người dân cảnh giác với tình trạng hái trộm cà phê tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk do giá cà phê tăng cao