Xã Yang Tao điểm sáng trong việc thực hiện Nghị quyết 02 và Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ huyện

Xã Yang Tao, có 2.519 hộ dân, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 96%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 32%. Từ khi Nghị quyết 02 và nghị quyết 05 được triển khai tại xã Yang Tao, đã góp phần thay đổi nếp nghĩ cách làm của người dân, làm thay đổi diện mạo vùng đất đai cằn cỗi của xã.

Là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch của huyện, xã Yang Tao được nhiều du khách biết đến với di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia thác Bìm Bịp (Liêng Bôk Săc). Nằm cách Tp. Buôn Ma Thuột khoảng 50 Km dọc theo Quốc lộ 27, Thác Bìm Bịp nằm giữa thung lũng núi non hiểm trở của dãy Cư Yang Sin,  mang vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Đến đây du khách sẽ được tận hưởng trong một không gian yên tĩnh và thoả sức hít thở bầu không khí trong lành, ngâm mình tắm trong dòng nước trong veo mát lành. Vào các kỳ nghỉ lễ địa điểm này đón hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi năm. Để phát huy tiềm năng điểm du lịch thác bìm bịp, thời gian qua UBND huyện đã đầu tư tuyến đường từ QL27 đến hồ buôn Biếp để đi lên thác Bìm Bịp với tổng chiều dài toàn tuyến gần 3km, với tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng, từ nguồn vốn chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh đó Xã Yang tao cũng là địa phương có điểm du lịch “ Đá Voi Cha” đây là điểm du lịch gắn với huyền thoại “Đá Voi Cha và đá Voi mẹ” của Người Mnông R’Lâm xưa ở huyện Lắk và hiện nay đã trở thành nơi chụp hình lý tưởng của nhiều khách du lịch. Đặc biệt, xã có làng gốm cổ độc đáo với những sản phẩm độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá của người M’nông được tạo ra từ bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân gốm. Để có những sảm phẩm từ gốm tinh xảo, người nghệ nhân ở làng gốm buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao phải đi bộ ra khe suối Đak sang ở Buôn Biếp lấy đất sét để làm, sau nhiều ngày từ giã đất nhuyễn với nước, tạo hình sản phẩm, phơi nắng cho khô, nung lửa rồi rắc vỏ trấu cho cháy đen thì sẽ tạo ra 1 sản phẩm từ gốm với nhiều mẫu mã khác nhau như: hình ảnh những chú voi, những vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày như nồi cơm, bình hoa….. Nhiều du khách đến và trải nghiệm thực sự rất thích thú với quy trình làm gốm của các nghệ nhân xã Yang Tao.

Với những tiềm năng lợi thế sẵn có từ thiên nhiên, bản sắc văn hoá dân tộc M’nông, những năm trở lại đây, thế hệ trẻ ở xã Yang Tao đã chủ động tích cực phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có bạn Y Sol Sruk là một gương điển hình trong phát triển du lịch cộng đồng của địa phương, từ việc ấp ủ đưa văn hoá của người M’nông đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh, Y Sol Sruk đã tạo nên một homestay yên bình giữa buôn làng, thu hút đông đảo du khách đếm trải nghiệm. Có thể nói với xã Yang Tao tinh thần của Nghị quyết 02 được lan toả khắp mọi nơi và được đông đảo người dân nhiệt tình hưởng ứng. Cả hệ thống chính trị xã Yang Tao đã tập trung phát huy tinh thần Nghị quyết 02 huy động từ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động mua và trồng được khoảng 2.500 cây hoa và cây xanh các loại tại trụ sở HĐND, UBND xã, tại các cơ quan, đơn vị, nhà văn hóa cộng đồng thôn, buôn, trường học và dọc các tuyến đường nội buôn; vận động người dân triển khai mô hình “Thắp sáng đường buôn” ở 7/10 buôn với chiều dài trên 7,4km với tổng chi phí thực hiện trên 335 triệu đồng, qua đó góp phần đưa diện mạo nông thôn thêm sáng -xanh-sạch-đẹp.

Trong triển khai thực hiện NQ 05, xuất phát điểm ở xã còn nhiều khó khăn về điều kiện đất đai, toàn xã có 2.030 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, song chủ yếu là cằn cỗi, lại thiếu nước sản xuất vào mùa khô nên nhiều diện tích đất thường bị người dân bỏ hoang.  Ngay sau khi Nghị quyết 05 được ban hành, Cấp uỷ, chính quyền địa phương xã Yang Tao đã tích cực triển khai và nhận được sự hỗ trợ của cá nhân các đồng chí lãnh đạo huyện phụ trách địa bàn, đơn vị kết nghĩa và doanh nghiệp hỗ trợ hơn 22.000 giống cây trồng các loại tặng cho 2.500 lượt hộ dân trồng và chăm sóc góp phần cải tạo vườn tạp, tăng thu nhập. Từ nguồn giống cây được hỗ trợ, địa phương đã thực hiện 51 mô hình trồng mít tại 10 buôn của xã để bà con học tập và làm theo. Hiện nay toàn xã đã có hơn 18 ha đất trồng và các vườn tạp đã được phủ xanh bằng các loại cây ăn quả, trong số đó có 14 ha được trồng mít. Đến nay nhiều mô hình đã cho thu bói.

Đầu năm 2021, gia đình bà H’Yê Jiê Buôn Cuôr Tak, xã Yang được hỗ trợ 50 giống cây mít thái để trồng tại 1,2 sào đất của gia đình bị bỏ hoang do đất đai cằn cỗi. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và Hội nông dân xã về khoa học kỹ thuật, diện tích mít của gia đình đã sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn sẽ cho thu hoạch bói trong vài tháng tới.

Đến thăm vườn mít rộng hơn 1,4 ha của gia đình chị H Trích Kuan Buôn Dơng Guôl, sẽ thấy được sự đổi thay rõ nét của vùng đất đồi cằn cỗi tại xã Yang Tao. Từ 50 giống cây mít thái được xã hỗ trợ, sau khi trồng và chăm sóc thấy cây sinh trưởng tốt, gia đình chị đã mua thêm 500 cây mít thái về trồng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật hiện nay vườn mít của gia đình chị phát triển xanh tốt và đã cho những trái chín đầu tiên.

Từ những đổi thay trên có thể thấy, Nghị quyết 02 và 05 của Đảng bộ huyện đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần từng bước giúp người dân xã Yang Tao nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo. Bằng những cách làm cụ thể và hiệu quả của Cấp uỷ, Chính quyền, sự đồng thuận cao của quần chúng nhân dân trong xã,  diện mạo nông thôn xã Yang Tao đã và đang từng ngày trở nên sáng – xanh- sạch – đẹp.

  H Yur  Je + Văn Hoan