Chương trình phát thanh ngày 15/03/2023 – Huyện Lăk sau 48 năm giải phóng – Những đột phá để phát triển
Huyện Lăk sau 48 năm giải phóng – Những đột phá để phát triển
Cách đây 48 năm, đúng 15 giờ 30, ngày 17/3/1975, lá cờ chiến thắng của ta đã tung bay trên nóc nhà Biệt Điện, toàn bộ khu vực quận lỵ Lạc Thiện (nay là huyện Lăk) được hoàn toàn giải phóng. Chặng đường 48 năm sau ngày giải phóng, Huyện Lăk đã không ngừng vươn lên, nỗ lực cùng cả nước xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” đúng như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi xin được thông tin đến đồng bào, đồng chí và các bạn về những trận đánh lịch sử của Đảng bộ, quân và dân huyện Lăk trong cuộc tổng tiến công và và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng quê hương.
Thưa đồng bào, đồng chí và các bạn!
Bước vào đầu năm 1975, tình thế cách mạng chuyển biến mau lẹ, có lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Trên địa bàn huyện Lắk, lúc bấy giờ, ngụy quân và ngụy quyền có: 5 đại đội bảo an, 27 trung đội nghĩa quân với quân số 734 tên, một trung đội pháo binh, 1.000 phòng vệ dân sự trang bị vũ khí đầy đủ và 104 cảnh sát, 264 hội đồng xã, 43 thám báo, 16 tên phượng hoàng. Tuy vậy, bọn ngụy quân, ngụy quyền nói trên, lúc bấy giờ đã rất hoang mang, giao động đến cực điểm, trước sự phát triển của lực lượng cách mạng trên khắp các chiến trường và ngay cả tại địa phương (huyện Lắk). Hệ thống kềm kẹp ở từng xã ấp đã bắt đầu rệu rã, vô hiệu lực, nhất là ở những xã, ấp có cơ sở cách mạng của ta. Nhìn chung, quần chúng mong muốn ta giải phóng cho họ, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình, tự do đi lại làm ăn sinh sống.
Để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy sắp tới, Huyện ủy huyện Lắk đã trực tiếp chỉ đạo các mũi công tác, nhất là công tác phía trước. Lực lượng 5 đội công tác của H10 lúc này được củng cố và tăng cường thêm lực lượng đã thọc sâu, bám sát địa bàn các ấp chiến lược của địch để phát động quần chúng, tuyên truyền cách mạng, xây dựng thực lực cách mạng tại chỗ, chuẩn bị nổi dậy giành chính quyền khi thời cơ đến. Để tăng cường hơn nữa lực lượng cho các mũi hoạt động phía trước, Huyện uỷ đã quyết định điều động một số cán bộ, đảng viên 5 xã căn cứ cách mạng ra đảm nhiệm công tác giành dân ở phía trước. Mỗi đội công tác phía trước có từ 6 đồng chí, trong đó có 3 đồng chí là cán bộ xã, và 3 đồng chí là du kích căn cứ.
Về mặt tổ chức lực lượng hoạt động ở phía trước, huyện chủ trương bố trí từ 3 đến 5 cán bộ phụ trách công tác trên địa bàn xã 1 của địch. Thông thường, huyện chọn những đồng chí cán bộ, đảng viên của ta vào phụ trách các xã chuẩn bị giải phóng, đều là những người có quê quán tại xã. Toàn huyện huy động 108 đồng chí chuẩn bị tiếp thu, phụ trách các xã phía trước. Dân công các xã căn cứ phụ trách vận chuyển 6.000 kg hàng hoá, vũ khí, quân trang, quân dụng đến điểm tập kết đã quy định để phục cho cuộc Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975.
Quân và dân vùng căn cứ huyện Lắk đã nỗ lực, vượt mọi khó khăn, chuẩn bị sẵn sàng đón thời cơ giải phóng. Tình hình cách mạng trên toàn bộ chiến trường miền Nam phát triển hoàn toàn thuận lợi. Hai năm sau Hiệp định Paris, quân Mỹ và chư hầu rút hết, ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn tuy còn ngoan cố đẩy mạnh bình định lấn chiếm và chống phá cách mạng, nhưng thế và lực của địch ngày càng suy yếu. Các lực lượng cách mạng ở miền Nam, tiếp tục giành thêm nhiều thắng lợi. Tháng 10-1974, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp nhận định tình hình về thời cơ chiến lược mới. Hội nghị khẳng định: “Mỹ đã rút khỏi miền Nam, thì khó có khả năng đưa quân trở lại và dù chúng có can thiệp trở lại đi nữa, cũng không thể cứu vãn nguy cơ sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn”. Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976, và chọn Tây Nguyên làm hướng tấn công chủ yếu trong năm 1975.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, tháng 10-1974 Khu uỷ 5, Bộ Tư lệnh quân khu 5 và mặt trận Tây Nguyên triển khai kế hoạch mùa khô năm 1975, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh bại cơ bản bình định của địch, giải phóng đại bộ phận nông thôn, giải phóng hoàn chỉnh một số địa bàn quan trọng, quyết tâm giành thắng lợi lớn và chuẩn bị phương án kế hoạch phát triển giành thắng lợi vượt bậc khi có thời cơ đến.
Ở Đắk Lắk, tháng 12-1974, đồng chí Võ Trung Thành (Năm Vinh), Khu ủy viên Khu 5, được Thường vụ Khu ủy phái vào truyền đạt sơ bộ quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và của Khu. Đồng chí đã cùng Tỉnh ủy họp, triển khai kế hoạch chuẩn bị chiến trường, thực hiện Nghị quyết của Khu.
Từ 18-12-1974 đến 08-01-1975, Bộ Chính trị họp mở rộng soát xét tình hình địch – ta ở miền Nam, sau chiến thắng Phước Long (06-01-1975), Bộ Chính trị quyết định: “Tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ Trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Bộ Chính trị còn dự kiến, nếu thời cơ đến vào đầu năm hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Cũng thời gian này, Bộ Chính trị và quân uỷ Trung ương đã quyết định lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Tây Nguyên 1975.
Đầu tháng 02-1975, đồng chí Bùi San, đại diện Thường vụ Khu ủy 5 vào truyền đạt cho Tỉnh ủy quyết tâm nói trên của Bộ Chính trị. Đồng chí đã cùng với Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên họp với đồng chí Huỳnh Văn Cần,Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bàn kế hoạch phối hợp tấn công và nổi dậy ở chiến trường Buôn Ma Thuột và trong toàn tỉnh. Đồng chí Bùi San cùng với đoàn cán bộ của Khu ở lại bên Tỉnh ủy Đắk Lắk để tham gia chỉ đạo chiến dịch.
Lực lượng vũ trang vùng căn cứ huyện Lắk (H10) đã kết hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang của tỉnh đánh địch trên hướng phía nam Đắk Lắk, để phối hợp với quân chủ lực của ta trong trận đánh then chốt mở đầu cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên ở thị xã Buôn Ma Thuột. Lúc bắt đầu nổ súng tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột, Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho lực lượng tỉnh và lực lượng huyện Lắk (H10), tiến vào tiêu diệt cứ điểm Đức Xuyên – một quận lỵ nhỏ ở cực nam phía huyện Lắk, giáp với Gia Nghĩa, thuộc vùng nam Tây Nguyên, nối liền với miềnĐông Nam Bộ.
Thực hiện đúng mệnh lệnh của cấp trên, ngày 07-3-1975, Tiểu đoàn 401, Đại đội hỏa lực 314 của tỉnh cùng Đại đội 32 lực lượng vũ trang huyện Lắk (H10), khẩn trương hành quân xuyên rừng rậm, bí mật áp sát quận lỵ Đức Xuyên. Tinh thần của các chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Lắk vô cùng phấn khởi được đóng góp phần của mình cùng với lực lượng vũ trang của tỉnh và của Trung ương giải phóng tỉnh nhà vào giờ phút lịch sử này. Anh em cán bộ và chiến sĩ ta trông chờ giờ phút có lệnh nổ súng tiêu diệt địch tại quận lỵ Đức Xuyên. Nhưng sau đó, do kế hoạch đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột của ta triển khai khá thuận lợi. Lúc này, Bộ Tư lệnh chiến dịch nhận thấy rằng khi ta chiếm được thị xã Buôn Ma Thuột, thì địch ở Đức Xuyên không cần đánh cũng buộc chúng phải bỏ chạy. Vì vậy, Bộ Tư lệnh đã điện cho tỉnh đội, tỉnh Đắk Lắk điều quân về gấp để tiêu diệt 2 tiểu đoàn FULRO ở phía nam đường 21, không cho chúng gây khó khăn cho quân chủ lực ta trong việc tiêu diệt địch ở hướng trọng điểm. Thực hiện lệnh điều động đó của cấp trên, ngày 09-3-1975, lực lượng vũ trang huyện Lắk và lực lượng vũ trang tỉnh đội, vai khoác ba lô đầy khoai sắn và súng đạn, lại lên đường hành quân theo hướng mới chỉ định của cấp trên, trong lòng tiếc rẻ cho công phu đã chuẩn bị kĩ càng cho trận đánh địch chắc thắng tại Đức Xuyên. Ngày 11-3-1975, khi được tin quân ta đã toàn thắng trong trận đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, thì khí thế của các chiến sĩ ta vô cùng phấn chấn, muốn hành quân mau tới địa điểm tập kết theo chỉ định của cấp trên để góp phần chia lửa với chủ lực quân của ta đang truy kích địch ở vùng ngoại vi thị xã Buôn Ma Thuột. Song, tình hình ở hướng ngoại vi Buôn Ma Thuột tiếp tục tiến triển thuận lợi cho ta, Bộ chỉ huy chiến dịch lại quyết định: lực lượng vũ trang của tỉnh và của huyện Lắk (H10) phải kịp thời triển khai ngay kế hoạch mới là giải phóng quận lỵ Lạc Thiện và ngăn chặn những toán quân địch tháo chạy theo đường 21 bis về phía Nam.
Thực hiện kế hoạch mới của cấp trên, lực lượng tỉnh và toàn bộ lực lượng của các đội công tác huyện Lắk cùng với du kích các xã căn cứ, tập trung cho trận đánh giải phóng quận lỵ Lạc Thiện. Lực lượng vũ trang của huyện Lắk (H10) tiến đánh PhiDih Ja, Đầm Ròn, Krông Knô.
Để triển khai kế hoạch nói trên, đồng chí Cảnh được chỉ định làm Chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang của ta trong trận đánh vào quận lỵ Lạc Thiện. Đồng chí Lê Văn Quyết được chỉ định làm Phó ban chỉ huy tiền phương trong trận đánh quyết định này.
Thời cơ giải phóng huyện nhà đã điểm, thực hiện mệnh lệnh cấp trên, tuy rằng chưa được chuẩn bị từ trước, nhưng với khí thế ra quân là quyết thắng, toàn bộ lực lượng vũ trang của tỉnh, của huyện Lắk cùng với các đội du kích xã, không quản khó khăn, gian khổ, đã nhanh chóng hành quân áp sát các mục tiêu đã định và chờ lệnh tấn công.
Đúng 0 giờ ngày 16-3-1975, trận đánh chiếm cụm cứ điểm của địch ở quận lỵ Lạc Thiện bắt đầu. Đại đội 308 và Tiểu đoàn 401, bí mật, bất ngờ nổ súng đánh chiếm chốt điểm trên đồi Hiến Binh và chốt E2. Tại đây, ta dự kiến chỉ có khoảng một trung đội địch chiếm giữ, nhưng khi ta nổ súng đánh vào, thì địch đã tăng cường quân số lên tới một đại đội. Mặc dù gặp khó khăn, nhưng các chiến sĩ ta vẫn xông lên, xốc tới, tiêu diệt gọn đại đội này. Ở chốt E2, địch cũng tăng cường canh gác cẩn mật. Tổ trinh sát và mũi trưởng mũi tiến quân chốt E2, đã khôn khéo dùng kéo quân y và dao găm, nhẹ nhàng cắt từng cụm cỏ tranh bí mật đưa đội hình tiến công vào trận địa được an toàn. Trận đánh chiếm chốt E2 cũng diễn ra vô cùng gay go và ác liệt. Có chiến sĩ ta bị thương, súng văng ra xa, người ngất đi, nhưng khi tỉnh dậy, đã tự bò đi tìm súng để tiếp tục cuộc chiến đấu với đồng đội. Bọn địch ở đây bị đánh bật ra khỏi công sự, một số bị tiêu diệt tại chỗ, số còn lại rút chạy, bỏ trốn vào rừng.
Đại đội 2 và Đại đội 3, thuộc Tiểu đoàn 301, tiến công vào các ấp chiến lược Dơng Kriêng, Dranh A, Dranh B của địch. Chỉ sau 20 phút chiến đấu, ta đã làm chủ toàn bộ các ấp chiến lược kể trên, tịch thu toàn bộ vũ khí và bắt được một số lính nguỵ làm tù binh.
Sáng ngày 17-3-1975, địch tập trung toàn bộ lực lượng còn lại của chúng để phản kích lại lực lượng của ta trên hai hướng tiến quân của Tiểu đoàn 301 và Tiểu đoàn 401. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch lúc bấy giờ đã diễn ra vô cùng quyết liệt. Ta và địch tranh giành lẫn nhau từng tấc đất vùng xung quanh quận lỵ Lạc Thiện. Phía ta, sau ba đợt tấn công, đã có 3 đồng chí chiến sĩ anh dũng hy sinh và 10 chiến sĩ khác bị thương nặng. Nhưng các mũi tiến công của ta vẫn bám sát trận địa, bao vây quân địch. Đến 13 giờ ngày 17-3-1975, Tiểu đoàn 301 và Đại đội 321 – lực lượng vũ trang huyện Lắk, với hỏa lực mạnh của DKZ 75mm bắn liên tục yểm trợ, các mũi tiến công của ta đã ào lên xung phong đánh chiếm được quận lỵ Lạc Thiện. Bọn địch chống giữ ở đây một số bị tiêu diệt, một số lớn buộc phải tháo chạy. Toàn bộ khu vực quận lỵ Lạc Thiện đã được hoàn toàn giải phóng. Đúng 15 giờ ngày 17-3-1975, lá cờ chiến thắng của ta đã tung bay trên nóc nhà Biệt Điện. Khoảng 18 giờ ngày 17-3-1975, ta đã làm lễ ra mắt Ủy ban quân quản của huyện Lắk, do đồng chí Lê Văn Quyết làm Chủ tịch. Trụ sở của Ủy ban Quân quản huyện đóng tại Trường phổ thông tiểu học Liên Sơn. Cũng vào ngày 18-3-1975, nhân dân ở ấp chiến lược Quảng Trạch, đã đứng lên kêu gọi được hai trung đội nghĩa quân tự giao toàn bộ vũ khí cho các đội vũ trang công tác của huyện Lắk. Cùng ngày, du kích và một bộ phận lực lượng vũ trang huyện Lắk, bao vây chặt đồn PhiDih Ja. Bọn địch ở đây hoảng sợ đã hạ vũ khí đầu hàng.
Ngày 20-3-1975, thiếu tá Y Dư, quận trưởng quận Lạc Thiện cùng với hai trung đội lính nguy mang cả vũ khí ra đầu hàng. Ngày 24-3-1975, bọn địch còn lại ở quận lỵ Đức Xuyên núng thế, phải rút chạy. Các đội vũ trang công tác của huyện Lắk đã thu toàn bộ vũ khí và ổn định tình hình tại địa phương. Toàn bộ địa bàn huyện Lắk đã được hoàn toàn giải phóng. Lực lượng huyện và du kích các xã căn cứ tiếp tục truy lùng những toán tàn quân địch còn lẩn trốn trong rừng. Trên các thôn ấp, buôn làng ở địa phương, tung bay cờ giải phóng. Bọn lính ngụy đã nạp vũ khí và trình diện đã được trở về buôn làng sum họp với gia đình làm ăn sinh sống. An ninh trật tự ở các buôn, xã từng bước đi vào ổn định. Trên 17.000 đồng bào các dân tộc, trên địa bàn huyện Lắk được hoàn toàn giải phóng. Nhân dân các dân tộc ở địa phương đã hân hoan tổ chức mít tinh, mừng ngày giải phóng huyện nhà và chào mừng Ủy ban quân quản của ta. Trên địa bàn huyện Lắk, ta thu được 25.000 súng các loại, trong đó có 2 khẩu pháo 105mm, 2 khẩu cối 81 mm, 3 khẩu súng cối 60 mm, 5 đại liên, 6 trung liên, 6 M79, 846 tiểu liên AR15, 800 khẩu carbine, 208 khẩu Garant, 26 quả mìn, 6 súng cối, 6 xe quân sự, 13 máy truyền tin PR25, 24 máy điện thoại và nhiều quân trang quân dụng. Quân và dân các dân tộc huyện Lắk phá rã một lực lượng địch trên 4.668 tên, bắt 406 tên, trong số đó có 45 sĩ quan từ cấp úy đến cấp tá. Đó là một thắng lợi to lớn và trọn vẹn của quân và dân huyện Lắk.
Đồng bào, đồng chí và các bạn thân mến!
Huyện Lắk là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có xã Nam Ka, Krông Nô và Đắk Phơi là 3 trong 4 xã an toàn khu của tỉnh Đắk Lắk, là nơi che chở cho cách mạng trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Từ một huyện nghèo, giờ đây huyện Lắk từng bước đổi mới, phát triển. Những năm đầu sau giải phóng, Đảng bộ và chính quyền vừa tiếp tục lãnh đạo nhân dân giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, truy quét tàn quân của chế độ cũ, giải quyết vấn đề FulRo, bảo vệ chính quyền cách mạng từng bước ổn định , xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh, tién bộ. Bước vào giai đoạn Đổi mới, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân nỗ lực đưa kinh tế huyện từng bước vượt qua cơn khủng khoảng và bắt đầu tăng trưởng. Đến năm 2022, tổng giá trị sản xuất ước đạt 2.709 tỷ đồng; Tăng trưởng kinh tế đạt 7,50%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 32,3 triệu đồng/người/năm.
Cùng với đó, qua 48 năm xây dựng và phát triển, huyện đã hoàn thành nhiều công trình phục vụ dân sinh lớn nhỏ đã tạo nên diện mạo mới. Về tình hình sản xuất nông nghiệp, cơ cấu nông nghiệp của huyện được xác định là nông, lâm nghiệp, chăn nuôi. Trong nông nghiệp chủ yếu là trồng cây lương thực, trong lương thực trọng tâm là cây lúa nước , trong năm 1975 – 1977, huyện đã vận động nhân dân khai hoang phục hoá mở rộng diện tích và đi vào định canh định cư, cuối năm 1976 diện tích gieo trồng đạt 2.789 ha, so với năm 1975 tăng gần 1,5 lần, trong đó diện tích lúa nước năm 1975 là 500 ha, đến 1976 là 2.432 ha, năng suất lúa đạt 1.600kg/ha và đến ngày nay tổng diện tích gieo trồng toàn huyện là trên 29.000ha, trong đó diện tích lúa nước là 14.382 ha, người nông dân đã biết ứng dụng KHKT vào sản xuất, vận dụng cơ giới hoá, sử dụng các giống lúa năng suất chất lượng cao, với năng suất đạt từ 7-9 tạ/sào. Về chăn nuôi thời điểm mới giải phóng có tổng số 8.143 con trâu, bò, heo và gia cầm, hiện nay riêng đàn trâu, bò là trên 24.000 con; đàn heo 45.000 con, đàn gia cầm hơn 702.000 con, đàn Dê 4.064 con. Tình hình sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của huyện trước ngày giải phóng chưa có gì, chỉ có vài gia đình làm nghề sửa chữa xe đạp, xe máy, sửa chữa các loại máy nhỏ. Năm 1975 – 1976 huyện xây dựng được 1 trạm điện ở xã Liên Sơn, công suất 150KW, với đường dây dài 6.750m phục vụ cho việc thắp sáng các cơ quan trong huyện, cho toàn dân ở xã Liên Sơn và một số buôn của xã Đak Liêng. Về sản xuất vật liệu xây dựng, huyện xây dựng được 1 lò gạch với năng lực sản xuất được 200.000 viên/tháng. Tổ chức một xưởng xẻ gỗ dio tư nhân đứng ra nhận hàng xẻ theo yêu cầu và giá công Nhà nước quy định,các cơ sở thủ công nghiệp như sản xuất đồ mộc, , cơ sở xay xát lương thực dần đi vào hoạt động nhưng còn nhỏ lẻ… Đến nay, hê thống diện chiếu sáng đã đến tận mỗi nhà dân với tỷ lệ hộ sử dụng đạt đạt 98,68%, hệ thống điện đường từ mô hình thắp sáng đường quê, Trung tâm thị trấn sáng xanh, sạch đẹp làm thay đổi bộ mặt quê hương huyện Lăk; giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ngày một tăng, năm 2022 ước đạt 324 tỷ đồng, doanh thu từ ngành thương mại – dịch vụ – du lịch đạt 1.223 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng phát triển, đường giao thông liên xã, liên thôn được nhauwj hoá, be etoong hoá 96,5%, còn lại là mặt đường cấp phối; tỷ lệ nhựa hoặc bê tông đường huyện là 100%, kiên cố hoá hệ thống kênh mương chính và kênh mương nội dồng đảm bảo nước tưới cho 82% diện dích giao trồng. Hẹ thống điện đường, trường trạm đã có những sự đầu tư thay đổi vượt bậc, huyện có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, toàn huyện đạt 134/190 tiu chí về xây dựng nông thôn mới. Các đoàn thể quần chúng như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn TNCS HCM thông qua các phong trào được xây dựng và phát triển rộng rãi, ngày càng phát huy được vai trò trong việc đoàn kết, giáo dục, tổ chức phát động các phong trào cách mạng. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa; xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa…. được triên khai sâu rộng và được đông đảo nhân dân hưởng ứng, nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp đã góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương, với tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2022 giảm còn 25,24%.. Cùng với đó là rất nhiều hoạt động, phong trào thiết thực hướng đến chăm lo các đối tượng chính sách, khó khăn….
Trong công tác chăm lo cho sức khoẻ cho nhân dân được quân tâm, trước ngày giải phóng trong huyện chỉ có 1 bệnh xá với 10 giường bệnh, chủ yếu làm nhiệm vụ phát thuốc, mỗi xã cũng có 01 cơ sở y tế, sau ngày giải phóng bệnh viện (trạm xã) huyện có 30 giường điều tại chỗ cho nhân dân, các xã đều có trạm y tế phát thuốc cho dân. Đến nay mạng lưới y tết từ huyện đến cơ sở đã được quan tâm đầu tư trang thiết bị và nguồn nhân lực đảm bảo, trong đó Trung tâm y tế huyện với 120 giường điều trị tại chỗ cho nhân dân, có 11 trạm y tế các xã thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế và có vườn thuốc nam phát huy hiệu quả chữa bệnh bằng đông tây y kết hợp.
Đảng bộ huyện ngày đầu giải phóng với rất ít đảng viên, đến nay đã có 3.260 đảng viên, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng được nâng cao, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng có nhiều chuyển biến rõ rệt. Đảng bộ huyện luôn kiên định lập trường, bản lĩnh chính trị, thực hiện xây dựng, chính đốn mình để ngang tầm nhiệm vụ. Công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh được tăng cường, đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. 03 năm liên tiếp, năm 2020, 2021 và 2022 Đảng bộ huyện Lăk vinh dự đạt trong sạch vựng mạnh. Trong đó, huyện đặc biệt tăng cường mối quan hệ mật thiết, nỗ lực chăm lo tốt hơn đời sống, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ban chấp hành Đảng bộ huyện Lắk khóa XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xây dựng nhiều chuyên đề mang tính đột phá. Với sự chủ chủ động, sáng tạo, đoàn kết chung lòng của các đồng chí trong BTV Huyện uỷ và niềm tin của người dân đến nay đã triển khai có hiệu quả các Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ huyện khoá XV, Trong đó trọng tâm là NQ số 02 – NQ/HU, ngày 13/10/2020 về tập trung huy động các nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030. Để thực hiện hóa NQ này, Huyện đã xây dựng nghị quyết đầu tư công trung hạn vốn ngân sách, giai đoạn 2021 – 2025, xác định 06 dự án xây dựng hạ tầng đô thị và phục vụ du lịch, với tổng mức đầu tư hơn 206,6 tỷ đồng gồm Dự án tuyến đường giao thông vào Thác Bìm Bịp, xã Yang Tao; Dự án xây dựng tuyến đường giao thông vào Resort Lắk tened Camp. Bên cạnh đó huyện đã huy động nguồn lực xã hội hóa với hơn 882,3 tỷ đồng để mua và trồng các loại giống hoa. Bên cạnh việc huy động nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm đồng bộ kết nối các khu đô thị, các điểm du lịch; huyện còn chú trọng huy động trồng cây xanh và chỉnh trang trên các tuyến đường nội thị trấn Liên Sơn và các xã, phát phong trào trồng cây, trồng hoa trên các tuyến đường từ huyện tới thôn, buôn nhằm tạo vẻ đẹp cảnh quan và bảo vệ môi trường. Riêng năm 2022, toàn huyện đã huy động được hơn 1,8 tỷ đồng của các tổ chức và cá nhân, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện với nhiều giống hoa trồng trên tuyến đường quanh khu vực hồ Lắk, các tuyến đường nội thị trấn Liên Sơn, trong các trụ sở làm việc của huyện, xã, trường học, trồng cây hoa Mai trong trụ sở các cơ quan; làm cổng vòm hoa giấy và điện trang trí đường lên Trường PTTH Lắk,…
Năm 2022 cũng là một năm ghi nhận sự lan tỏa mạnh mẽ của của Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 05/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XV về “lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện”. Nghị quyết 05-NQ/HU đã thực sự đi vào đời sống của người dân. Chỉ tính riêng năm 2022 đã huy động mọi nguồn lực trồng hơn 160.000 cây ăn trái các loại, chủ yếu là cây mít thái với hơn 46.600 cây và cây sầu riêng với hơn 28.800 cây còn lại là các loại cây khác, nhiều mô hình trồng mít, trồng sầu riêng đã và được người dân triển khai.
Trong suốt lịch sử hình thành, phát triển của mình, từ quận lỵ Lạc Thiện; căn cứ H10, huyện Lăk trong bất cứ hoàn cảnh nào, huyện Lăk vẫn luôn hướng về phía trước, tràn đầy khát vọng vươn lên tầm cao mới, xứng danh huyện anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, từng bước cải thiện, chăm đời sống nhân dân theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình./.
Vy Thuỷ