Cho đến ngày nay, huyện Lắk vẫn giữ được cho mình những bản sắc văn hóa dân gian vô cùng sống động, phong phú, đa dạng của các dân tộc. Tạo nên một bức tranh sinh động về con người, thiên nhiên và phong tục tập quán có từ lâu đời của người dân địa phương với nhiều nghi lễ độc đáo như Lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới, lễ cúng sức khỏe, … Trong đó lễ anh em của người M’nông ở huyện Lắk có từ lâu đời, cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị, các dòng họ đã kết nghĩa anh em.
Theo phong tục của người M’nông lễ kết nghĩa anh em chỉ được thực hiện bởi những người không cùng dòng tộc, không cùng gia phả, họ hàng. Những người khác dòng tộc nhưng có quan hệ hôn nhân như sui gia, thông gia không được kết nghĩa. Để chuẩn bị cho lễ kết nghĩa hai dòng họ sẽ chuẩn bị vật lễ gồm:1 ché rượu cần 1 con gà; 1 con heo 5 gang, gia đình nào có điều kiện hơn sẽ thịt con trâu; 2 cái xà gạc; 2 gùi gạo tẻ; 1 gùi gạo nếp, chuối, trứng gà, bộ đồ thổ cẩm, vòng tay, vòng cổ… Sau khi có đầy đủ vật lễ và đông đủ sự có mặt 02 gia đình được kết nghĩa anh em, tiếng cồng chiêng sẽ được vang lên đây cũng là lúc Thầy cúng sẽ đọc lời khấn mời các vị thần mặt trời, thần núi, thần nước, thần đất, thần giữ nhà, thần kho thóc, … về chứng kiến lễ kết nghĩa anh em của 02 gia đình. Khi tiếng chiêng kết thúc thầy cúng sẽ lấy rượu cần hòa cùng với huyết heo và chích máu của 02 người được kết nghĩa hoà vào rượu rồi khấn vái sau đó mỗi người uống một hớp. Việc này có ý nghĩa như từ ngày coi 02 người được kết nghĩa đã có cùng chung một dòng máu là anh em một nhà.
Sau khi làm lễ kết nghĩa anh em, hai gia đình phải tuân thủ nhiều quy định nếu không sẽ bị thần phạt, Thầy cúng Y Krai Cil – Buôn Jie Yuk, xã Đắk Phơi cho biết.
Sau phần lễ, hai gia đình, mời đại diên bà con dân làng, khách quý cùng uống rượu cần, ăn thịt heo, cơm nếp và giao lưu để cùng chúc phúc cho những người được kết nghĩa, cầu mong cho họ luôn đoàn kết, gắn bó bên nhau. Một thời gian sau lễ kết nghĩa tại gia đình này, gia đình còn lại cũng sẽ tổ chức một lễ cúng tương tự ở nhà mình để mời gia đình đã kết nghĩa anh em và bà con buôn làng đến dự.
Trong quan niệm của người M’nông, Việc kết nghĩa nhằm làm cho hai người lạ kết thành đôi bạn thân thiết, bảo đảm kết nghĩa đến đời con, đời cháu. Hai bên con cháu coi nhau như anh em một nhà, khi có việc gì khó khăn, thiếu hụt giúp đỡ nhau không kể công, kể nợ. Việc kết nghĩa này phải hoàn toàn tự nguyện, vô tư, không bị ép buộc. Anh Y Thiên Cil – Buôn Je Yuk, xã Đắk Phơi cho biết.
Lễ cúng kết nghĩa anh em không chỉ thể hiện nét đẹp phong tục tập quán của người M’nông mà còn góp phần thêm tinh thần đoàn kết giữa mọi người trong buôn làng, cùng nhau giữ gìn những truyền thống tốt đẹp mà ông, bà xưa để lại. Em H Nang Cil – Buôn Je Yuk , xã Đắk Phơi chia sẻ.
Hiện nay, Huyện Lắk cũng đã và đang có rất nhiều chính sách, hỗ trợ cũng như quan tâm giữ gìn những nét văn hoá đặc sắc của người dân tộc M’nông, trong đó có lễ kết nghĩa anh em. Đ/c Nguyễn Anh Tú – Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết.
Đối với người M’nông tại huyện Lắk các lễ hội, hay nghi lễ cúng ra đời từ rất sớm. Cuộc sống của con người nơi đây gắn bó tự nhiên, tín ngưỡng tâm linh luôn được các thần núi , thần nước, thần rừng phù hộ, con người sống luôn có sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình; giữa gia đình với dòng tộc và dòng tộc với buôn làng. Vì vậy lễ kết nghĩa anh em là phong tục tập quán không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của họ, những thế hệ tiếp nối của người M’nông sẽ là những người tiếp tục kế thừa giữ nguyên giá trị văn hóa bản sắc của người dân tộc mình đến muôn đời sau.
Văn Hoan – H Yur Je
- Xã Nam Ka trao 31 con bò giống sinh sản cho hộ nghèo và cận nghèo
- Năm 2025 Trung ương sẽ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước
- Đoàn công tác Huyện uỷ Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đến thăm và làm việc tại Huyện uỷ Lăk
- Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk tăng cường tuần tra bảo vệ rừng
- Người dân cảnh giác với tình trạng hái trộm cà phê tại xã Đắk Phơi, huyện Lắk do giá cà phê tăng cao