Nông dân huyện Lăk gặp khó khăn trong việc thu hoạch cà phê

Dịch Covid-19 bùng phát thời gian qua gây đứt gãy chuỗi sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê ở nhiều địa phương, nhất là vùng Tây Nguyên. Hiện nay, giá cà phê đang có chiều hướng tăng nhưng do ảnh hưởng của dịch, thiếu nhân công thu hoạch, chi phí sản xuất tăng… khiến cả người trồng và doanh nghiệp đều gặp rất nhiều khó khăn. Cũng như các địa phương khác, bước vào vụ thu hoạch cà phê năm nay, người dân trồng cà phê đang lo lắng về việc khó tìm nhân công cho việc thu hái.

Trước thời điểm bước vào mùa thu hái cà phê ( từ tháng tháng 11 kéo dài hết tháng 12 hàng năm) khoảng 1 tháng, người trồng cà phê bắt đầu tìm kiếm nhân công để thu hái. Thế nhưng năm nay, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, việc đi lại giữa các vùng khó khăn, việc thuê nhân công gặp khó khăn hơn trước. Ông Nguyễn Ngọc Đào, thôn Hoà Bình 3 xã Đăk Liêng,  một người làm cà phê đã nhiều năm đang lo ngại về thuê nhân công thu hoạch, ông chia sẻ “gia đình ông làm 2ha cà phê tại xã Đăk Phơi, với tình hình như hiện nay kiếm được người hái cà phê rất khó, có chăng sẽ rơi vào tình trạng như nhiều năm trước sẽ có tình trạng khi đi thuê chủ vườn sẽ bị ép giá từ người hái thuê như hái công nhật  hoặc  hái khoán, nếu như hái công nhật tiền thuê 01 công sẽ được tính từ 200.000-220.000 ngàn/ngày, đối với hái khoán tiền công sẽ được tính khoán từ 90.000-100.000 ngàn/tạ, thế nhưng đối với hái khoán sẽ nhiều nhược điểm hơn là hái công nhật (hái khoán sẽ sót quả, gãy cành, gây ảnh hưởng đến cây cà phê cho mùa vụ tới. Đối với người lao động họ sẽ chọn hình thức hái khoán nhiều hơn, trung bình 1 ngày có thể hái từ 4-5 tạ, tương đương với tiền chủ vườn phải trả từ 300 đến 400 ngàn /ngày công cho người hái thuê, vậy nên so với hái công nhật thì hái khoán mang thu nhập cao hơn cho người lao động. Ngoài sự lo lắng về giá cả thì việc thuê nhân công mùa dịch cũng khiến người trồng cà phê bất an trong việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch covid -19.

Cùng nỗi lo chung do dịch bệnh covid -19, tìm thuê nhân công cũng khó khăn hơn và giá nhân công tăng cao ( từ 50 đến 70 ngàn/ngày công nhật), vì vậy các gia đình có diện tích cà phê ít từ 2 – 5 sào thường chọn việc đổi công để thu hoạch cà phê. Việc thu hoạch sẽ kéo dài hơn thuê nhân công ồ ạt hái, song sẽ đảm bảo công tác phòng chống dịch cũng như bướt chi phí.

Ngoài lo việc thiếu, khó thuê nhân công, người dân còn gặp khó khăn khi vụ thu hoạch trong điều kiện mùa mưa chưa kết thúc, Giá cả cà phê đầu vụ đã trên 40.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với mức giá chạm đáy và kéo dài suốt 10 năm qua (30.000 đồng/kg), dù vui mừng song nhiều hộ trồng cà phê vẫn thấp thỏm, mong muốn mức giá trên sẽ ổn định, ít nhất là đến cuối vụ.

Để giải quyết khó khăn trước mắt, giúp người dân trồng cà phê thu hoạch mùa vụ, thiết nghĩ các địa phương nên khuyến khích các hộ dân thành lập các tổ, đội, nhóm hộ thực hiện đổi công phục vụ thu hái cà phê để đảm bảo thời vụ. Đồng thời, huy động các tổ chức đoàn thể trên địa bàn thành lập các tổ, đội hỗ trợ thu hái cà phê nhằm giúp đỡ các gia đình khó khăn trong thu hái cà phê. Đặc biệt, các địa phương cần rà soát lực lượng lao động trên địa bàn có nhu cầu thu hái để giới thiệu cho các hộ nông dân thuê mướn phục vụ thu hoạch trên cơ sở thỏa thuận về chi phí ngày công hợp lý, tránh việc lợi dụng tình hình thiếu nhân công để đẩy giá thuê, khoán lên cao…/.

Vy Thuỷ – Văn Hoan